Ươm tạo nhà khoa học trẻ vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực chất lượng cao. Ảnh (tư liệu): vnu.edu.vn
Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, Đề án “Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia Hà Nội” vừa được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt nhằm cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ươm tạo nhà khoa học trẻ vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, cộng tác viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đang giảng dạy, nghiên cứu, học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học uy tín trong nước, quốc tế, hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đề án “Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia Hà Nội” hướng tới phát hiện và thu hút các mầm ươm khoa học từ 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là từ học sinh, đặc biệt là học sinh trong hệ thống các trường chuyên, năng khiếu để đưa vào chương trình ươm tạo nhà khoa học từ trình độ đại học, định hướng trở thành các nhà nghiên cứu trình độ sau đại học. Nhóm này bao gồm những học sinh lớp 12 có học lực giỏi, xuất sắc có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo từ trình độ đại học. Nhóm thứ hai bao gồm sinh viên và học viên giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, giảng viên trẻ chưa là tiến sĩ có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo trở thành nhà khoa học có trình độ tiến sĩ. Nhóm thứ ba là giảng viên và nhà khoa học trẻ đã đạt trình độ tiến sĩ có nguyện vọng tham gia chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ trình độ sau tiến sĩhoặc được tuyển dụng vào làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh đó, Đề án tập trung xây dựng được các chương trình ươm tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ, kết nối giúp người học được trang bị, hỗ trợ, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, điều kiện cần thiết để tham gia được vào các chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ sở đào tạo uy tín ở trong nước, quốc tế.
Một mục tiêu khác của Đề án là theo dõi, tư vấn, kết nối để các nhà khoa học trẻ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ có thể tham gia mạng lưới các nhà khoa học theo lĩnh vực chuyên môn, tiếp xúc và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước – quốc tế, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ để phát triển đất nước.
Để triển khai thành công Đề án này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiệu chia sẻ: Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng nhóm chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện, thu hút mầm ươm tài năng khoa học trẻ.
Đối với hoạt động ươm tạo nhà khoa học trẻ, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng, triển khai 3 chương trình cho giai đoạn 1 (2022-2025), bao gồm: Chương trình học bổng cho các sinh viên xuất sắc, thạc sĩ xuất sắc, nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ; Chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chương trình bồi dưỡng nghiên cứu sinh; Chương trình thực tập sinh sau tiến sĩ hay Chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên quốc tế.
Mỗi Chương trình đảm bảo 3 mảng nội dung: Trang bị tăng cường kiến thức chuyên môn phù hợp với năng lực, định hướng phát triển khoa học của đối tượng; bồi dưỡng, bổ sung các kỹ năng chuẩn bị học tập, thực hiện nghiên cứu ở trình độ cao, trong môi trường năng động, quốc tế; bổ trợ các hoạt động kết nối, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội thiết lập mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu đối tác ở trong nước, ký kết các thỏa thuận hợp tác để giới thiệu, cung cấp nguồn ươm khoa học trẻ và cùng phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình ươm tạo, tiếp nhận các sản phẩm của Chương trình ươm tạo để đào tạo ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ.
Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng, thực hiện các gói chính sách hỗ trợ tài chính, bảo trợ khoa học đối với các đối tượng tham gia các chương trình ươm tạo, đảm bảo các đối tượng tham gia chương trình có cơ hội tiếp cận, được hưởng các chương trình học bổng của đơn vị đào tạo, của Chính phủ hoặc của nước ngoài trong quá trình nghiên cứu, đào tạo tiếp theo; được sự bảo trợ khoa học từ nhà khoa học có uy tín, từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong hay ngoài nước để có thể thực hiện các chương trình đào tạo, nghiên cứu tiếp theo.
Nhóm giải pháp phát triển nhà khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng bộ dữ liệu năng lực các nhà khoa học trẻ tiềm năng để phục vụ công tác tuyển dụng, và phát triển mạng lưới các đơn vị khoa học, đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các nhà khoa học trẻ trong nước, quốc tế. Đồng thời, tổ chức kết nối, tư vấn, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ với các đơn vị khoa học, đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ tổ chức được 5 cuộc thi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 5 khóa học khoa học mùa hè cho học sinh Trung học Phổ thông, thu hút từ 300-500 học sinh tham gia; bồi dưỡng và thu hút được 65 học sinh chuyên của các tỉnh đăng ký học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội, một số học sinh đạt giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.
Đối với Chương trình ươm tạo nhà khoa học, sẽ cấp học bổng 140 sinh viên, 90 học viên và 150 nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ; số ấn phẩm thuộc ISI, Scopus là 380 công bố; các module đào tạo tiền tiến sĩ và hậu tiến sĩ được triển khai tốt, các học viên tham gia các khóa đào tạo đều có sản phẩm khoa học; 40 giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội được cử tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài.
Trong việc phát triển nhà khoa học, các cá nhân tham gia Đề án đề xuất thành công 5-10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và tương đương trở lên; từ 5 – 7 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có các sản phẩm tiềm năng được doanh nghiệp tài trợ và có khả năng thương mại hóa.