2.372 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực an sinh xã hội; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động đa dạng nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính riêng năm 2021, các phòng ban đơn vị thuộc huyện đã tạo điều kiện để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi; cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo và các hộ cận nghèo; hỗ trợ hơn 93 triệu đồng tiền điện cho 1.913 lượt hộ nghèo.
Lãnh đạo TP Hà Nội và huyện Phúc Thọ thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng. Giai đoạn 2011 – 2020, huyện đã tổ chức 278 lớp đào tạo nghề cho 9.640 học viên; tư vấn học nghề trực tiếp khoảng trên 20.000 lượt người; tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm với 100 doanh nghiệp, đơn vị thu hút trên 3.000 lượt người tham dự.
Các ngành, nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động; phần lớn lao động sau khi được đào tạo đã phát huy và vận dụng kiến thức, kỹ năng trong lao động sản xuất, tăng thu nhập, đời sống người lao động được nâng lên. Nhờ đó, qua rà soát cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2021, có 2.372 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo; số hộ nghèo còn 6/52.591 hộ (0,01%), số hộ cận nghèo còn 202/52.591 hộ (0,38%).
Không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với ngân sách Nhà nước, nguồn huy động xã hội được tăng cường để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo về nhà ở, hỗ trợ cuộc sống. Năm 2021, quỹ “Vì người nghèo” đã vận động ủng hộ được hơn 1,3 tỷ đồng, nâng tổng nguồn quỹ kết dư đầu kỳ lên hơn 3 tỷ đồng.
Trong đó, chi gần 1,7 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà (39 hộ với gần 960 triệu đồng); giúp đỡ phát triển sản xuất (316 hộ với số tiền hơn 200 triệu đồng); khám chữa bệnh cho người nghèo (136 hộ với số tiền gần 90 triệu đồng); giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập (176 cháu với số tiền 150 triệu đồng).
Ngày 3/8/2022 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 200 năm huyện Phúc Thọ (1822-2022), công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là ngày lễ trọng đại, dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương ôn lại kỷ niệm của những ngày đầu mang danh xưng Phúc Thọ và vui mừng trước những đổi thay của quê hương.
Thời gian qua, huyện Phúc Thọ cũng luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng; đồng thời, tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với những hoạt động thiết thực.
Huyện đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng theo quy định hiện hành. Hiện nay, huyện đang quản lý chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho 2.950 NCC với cách mạng, tổng số tiền trợ cấp hàng năm trên 64 tỷ đồng. Các chế độ, chính sách khác đối với NCC như cấp thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức điều dưỡng, cấp phương tiện trợ giúp, miễn giảm thuế nhà đất… được thực hiện tốt.
Riêng năm 2021, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng 14.839 suất quà, trị giá gần 6 tỷ đồng cho các đối tượng có công với cách mạng dịp 27/7 và 2/9. Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 455 triệu đồng (đạt 101% kế hoạch). UBND huyện và các xã, thị trấn trích Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng 21 sổ tiết kiệm cho các đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn ở các xã, thị trấn với tổng kinh phí 63 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện đã tổ chức 3 đợt điều dưỡng tập trung với tổng số 189 đối tượng. Xây mới 3 nhà và sửa chữa 3 nhà tình nghĩa với số tiền 450 triệu đồng; đến nay, cơ bản trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.
Bảo đảm an sinh xã hội, tạo lòng tin trong Nhân dân
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021; UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021; Thường trực HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021. Chính sách được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá là quyết sách nhân văn, kịp thời, hợp lý, hợp lòng dân.
Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ gặp mặt, tặng quà cho đối tượng chính sách.
Huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp các cơ quan liên quan, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và TP đảm bảo giải quyết nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn huyện đã có 3.032 hộ và 28.200 người lao động, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công được giải quyết hỗ trợ với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, nhiều năm qua, bên cạnh việc duy trì tốc độ phát triển ổn định về kinh tế, công tác an sinh xã hội của huyện luôn được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, các đối tượng yếu thế được cải thiện rõ rệt.
“Việc đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần tạo lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời giữ vững sự ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo…” – ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.
Trong kế hoạch bảo đảm công tác an sinh xã hội năm 2022, huyện Phúc Thọ cũng sẽ đổi mới nội dung đào tạo nghề; chú trọng công tác hướng nghiệp, tư vấn và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các đề án hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…