Nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái

Nông nghiệp công nghệ cao, sinh tháiQuang cảnh hội thảo. Ảnh: Hương Giang

Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý cho rằng, thành phố Hà Nội có nhiều đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp đô thị với những lợi thế, tiềm năng để phát triển, nhưng cũng đi kèm khó khăn, thách thức. Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha…

hoa-lan-thanh-oai.jpgba-bui-huong-bich.jpgHà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hương Giang

Hiện thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội, khẳng định vị thế trên thị trường.

img_9574_original.jpgCác mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Trong chăn nuôi, Hà Nội phát triển theo vùng, xã trọng điểm với 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt. Toàn thành phố có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư, bình quân 1,1ha/hộ; 2.147 trại chăn nuôi gia cầm, diện tích bình quân 8.800m2/trại; 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong những năm qua, trước tình hình mở rộng không gian đô thị cùng nhiều dự án nên diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng thu hẹp (giảm gần 800ha). Ngoài ra, một số khu vực còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; công tác quy hoạch chưa hiệu quả cũng là thách thức lớn trong phát triển nông nghiệp đô thị.

nho-ha-den.jpgHà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Ảnh: Hương Giang

Tại hội thảo, các đại biểu cùng bàn về phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Hà Nội cần tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc; ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống; chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, trong phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sức cạnh tranh theo hướng nông nghiệp đô thị, vùng đô thị phát triển hoa, cây cảnh, rau an toàn…