Khai phá “mỏ vàng” kinh tế thể thao

Dù chưa chính thức được coi là một ngành kinh tế nhưng các loại hình dịch vụ, sản phẩm thể thao đã và đang phát triển, thu hút sự tham gia của nhiều DN, tạo việc làm, thu nhập và đóng góp vào GDP cả nước. Tuy nhiên, để khai phá được “mỏ vàng” kinh tế thể thao, tạo sức bật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải thay đổi tư duy, cách làm thể thao cũng như phát huy nguồn lực xã hội hóa.

Bài 1: Tiềm năng nhưng chậm phát triển

Sự có mặt của các thương hiệu lớn về dụng cụ, trang thiết bị thể thao tại Việt Nam hay các giải thể thao lớn thu hút đông đảo khán giả tham gia cho thấy tiềm năng lớn của ngành kinh tế thể thao. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, sự phát triển của kinh tế thể thao tại Việt Nam còn khá hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng.

Thị trường sôi động

Trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế thể thao ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước hướng đến sự phát triển bền vững và mang lại “món ăn tinh thần” cho người dân. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, đời sống được nâng lên, nhu cầu tập luyện thể dục – thể thao ngày càng phát triển, nhất là từ sau đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề để các giải thể thao, nhất là thể thao phong trào ngày càng nở rộ, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trong đó, với số lượng giải chạy diễn ra hằng tuần, hằng tháng cùng sự xuất hiện của những nhà tổ chức chuyên nghiệp, các đường chạy luôn luôn nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết. Không chỉ thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe khi thu hút hàng vạn vận động viên chuyên và không chuyên tham gia ở nhiều cự ly (5km, 10km, 15km 21km, 42km), nhiều địa phương nhận định các giải chạy còn góp phần phát triển du lịch, quảng bá văn hóa, hướng tới thúc đẩy kinh tế với từng bước chạy “thương hiệu” đặc trưng vùng miền.

Trong đó, các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là trung tâm của sự phát triển đồng bộ với các môn thể thao mới. Thủ đô Hà Nội là địa điểm thu hút bậc nhất các vận động viên trong nước và quốc tế tới tham dự các giải chạy marathon chất lượng.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, Hà Nội có 8 giải marathon và bán marathon quy mô lớn, thu hút hàng trăm nghìn vận động viên trong nước, quốc tế tham gia mỗi năm.

“Hà Nội là TP nghìn năm văn hiến, được mệnh danh là “thành phố di sản” mang trong mình bề dày giá trị về văn hóa, lịch sử. Việc tổ chức các giải thể thao lớn, trong đó có giải chạy góp phần quan trọng lan tỏa hình ảnh con người, văn hóa, du lịch của Thủ đô đến bạn bè, du khách trong nước và ra quốc tế.

Khai phá “mỏ vàng” kinh tế thể thao
Giải vô địch Pool 9 bóng Hà Nội mở rộng – Hanoi Open Pool Championship tháng 10 tại Việt Nam. Ảnh: Bùi Lượng

Bên cạnh đó, việc tổ chức giải chạy đi theo đó là các dịch vụ “ăn theo” phát triển, thúc đẩy tiêu dùng, lưu trú, ẩm thực, quà tặng, góp phần chung vào phát triển kinh tế của Thủ đô” – ông Phạm Xuân Tài cho biết.

Không riêng các giải chạy, mới đây Hà Nội còn trở thành điểm đến của những tay cơ hàng đầu thế giới tranh tài tại giải billiards mang đẳng cấp quốc tế – Hanoi Open Pool Championship 2024, được tổ chức tháng 10 vừa qua đã thành công rực rỡ, với nguồn kinh phí 100% xã hội hóa.

Diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Hanoi Open Pool Championship 2024 trở thành sự kiện thể thao văn hóa lớn, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế.

Hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam đã được phát sóng trên các đài truyền hình lớn nhất thế giới như Skysport của Anh, DAZN (Bắc Mỹ), Viaplay (châu Á)… Bên cạnh đó, trong 5 ngày, Hanoi Open Pool Championship cũng thu hút lượng lớn vận động viên, người hâm mộ tới từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Theo thống kê của Cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy niềm đam mê thể thao tại Việt Nam và tiềm năng rất lớn cho các hoạt động có doanh thu liên quan đến những giải thể thao. Ngoài sức hút từ các giải chạy, thị trường thể thao tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành ngày càng sôi động với các môn thể thao mới. Trong đó, “cơn sốt” pickleball đang thực sự lan tỏa rộng khắp các địa phương, thu hút người chơi ở các lứa tuổi.

Tại Hà Nội, nhiều sân pickleball mới được đầu tư, xây dựng nhằm thu hút người chơi tại các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa… Dù xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2018 nhưng phải khoảng nửa năm nay môn pickleball mới thực sự gây “sốt”.

Đến nay, môn thể thao này đã thu hút khoảng hơn 10.000 người theo tập, thi đấu trên toàn quốc, từ đó, các sân tập, thị trường quần áo, vợt, dụng cụ thể thao hay các lớp đào tạo cũng tăng mạnh theo. Nhiều giải đấu pickleball được các DN đầu tư, tổ chức với số lượng tăng nhanh, thu hút một lượng lớn vận động viên đăng ký tham gia tranh tài.

 

Kinh tế thể thao là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Giá trị thị trường thể thao toàn cầu năm 2023 đạt 512,14 tỷ USD và dự kiến đạt 623 tỷ USD vào năm 2027. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trường thể thao đạt 5,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP toàn cầu. Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương có sự phát triển “nóng” về kinh tế thể thao, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn so với toàn cầu. Kinh tế thể thao ở Việt Nam khởi đầu từ chính sách “xã hội hóa” của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế T.Ư

Có thể thấy, nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của người dân là rất lớn, đòi hỏi các nhu cầu dịch vụ đi kèm ngày càng đa dạng và nâng cao hơn. Thời trang thể thao ngày càng phong phú, nhiều mẫu mã không thua kém gì trang phục thường ngày và bắt kịp xu hướng thời trang của giới trẻ.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; thị trường lao động và chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên từng bước phát triển. Nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong số những quốc gia gia công sản phẩm chủ chốt.

“Mỏ vàng” chưa được đánh thức

Phải khẳng định, việc phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam có những thuận lợi nhất định. Tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư khóa IX về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010 đã nhấn mạnh: phải “tạo cơ sở phát triển kinh tế thể thao”.

Mới nhất, ngày 31/1/2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 70-KL/TW về việc phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng phải tập trung thực hiện là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn mới; chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa…

Tuy đạt được một số thành tựu, nhưng nhìn nhận thẳng thắn, kinh tế thể thao ở Việt Nam chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Cho đến nay, ở Việt Nam hầu như không có bộ máy tổ chức, nhân sự chuyên trách về kinh tế thể thao. Ngoài ra, sản xuất trong nước chưa phát triển, Việt Nam thiếu các DN lớn chuyên về thể thao để có thể cung ứng các hàng hóa cũng như dịch vụ thể thao.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt chia sẻ, những khó khăn trong việc phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam là do cơ chế, chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách và sự chưa năng động, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ để tạo ra các giá trị tự thân, thu hút các nguồn tài trợ.

Hiện nay, các liên đoàn, hiệp hội mới chỉ thực hiện được việc xã hội hóa chủ yếu ở hoạt động đào tạo chuyên môn cho trọng tài, HLV, tổ chức sự kiện còn các nguồn kinh phí khác vẫn lấy từ ngân sách Nhà nước. Nhận thức về các quan điểm, giải pháp trong phát triển thể dục thể thao Việt Nam chưa đầy đủ, sâu sắc; tư duy kinh tế còn mang nặng bao cấp, chưa có sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc phát triển kinh tế gắn với phát triển thể thao…

Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật thể thao… tuy đã được Nhà nước đầu tư, song việc quản lý, sử dụng chưa hiệu quả như kỳ vọng, còn tình trạng lãng phí. Trong khi đó, tiềm năng phát triển kinh tế thể thao là rất lớn, đòi hỏi các nhà quản lý phải tìm kiếm giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lực này.
(Còn nữa)­

 

Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao bước đầu hình thành về mặt pháp lý hoặc đã có một số đơn vị kinh tế quan tâm đầu tư phát triển nhưng chưa triển khai trong thực tế, gồm: xổ số, cá cược thể thao; đầu tư chứng khoán cho các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; dịch vụ khai thác chuyển nhượng thương quyền, thương hiệu, bản quyền truyền hình được triển khai rất hạn chế. Cùng với đó, những hạn chế về chất lượng nhân lực kinh tế thể thao đang gây ra nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động kinh doanh, thu hút người dân tham gia các dịch vụ thể thao, thu hút các khoản tài trợ, quảng cáo để phục vụ cho các hoạt động thể thao…
GS.TS Lâm Quang Thành – nguyên Phó Tổng Cục trưởng
Tổng cục Thể dục thể thao