Trong hành trình xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên.
Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO
Ảnh: TTXVN phát
Với truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long – Văn hiến, Thủ đô Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên.
70 năm sau Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đạt được nhiều thành tựu vẻ vang. Đây chính là hành trang quý báu của Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị; phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, Hà Nội từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
*Sáng tạo với di sản
Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nêu rõ: Là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”…, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là tài sản vô giá để Hà Nội tiếp tục sáng tạo, khẳng định giá trị lịch sử, được bạn bè quốc tế biết đến, phục vụ đắc lực cho tiến trình hội nhập văn hóa, xây dựng Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Hà Nội cũng là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng với di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông Hồng.
Người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế đã mặc trang phục áo dài tham gia chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội”.
Ảnh: Nhật Anh-TTXVN
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo năm 2019. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, nổi bật là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1/4/2022, của UBND thành phố Hà Nội, “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”.
Không gian trưng bày về nghệ thuật tuồng trong di sản văn hóa Việt tại Hà Nội.
Ảnh: Thanh Tùng-
Những năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”, cũng như đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ – những không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam…
Một sáng kiến Hà Nội là Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 (tháng 11/2023) với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, mang tới nhiều trải nghiệm mới từ những di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng qua các không gian nghệ thuật đặc sắc. Đây là hoạt động thường niên của thành phố nhằm triển khai Kế hoạch số 102/KH-UBND, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.
Phở Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Nguồn: Infographics.vn-TTXVN
Thông qua đó, Hà Nội khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế…, từ đó hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đây còn là cơ hội tạo ra những trải nghiệm mới khi biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững…
*Từng bước hiện thực hóa khát vọng
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Là trái tim của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa và phát triển con người Hà Nội xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng – nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam.
Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã thu hút đông đảo bạn bè quốc tế đến Thủ đô.
Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành kiên trì, tập trung lãnh đạo xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển sự nghiệp văn hóa, góp phần khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố. Đặc biệt, sau 20 năm kể từ khi được vinh danh là “Thành phố hòa bình” của UNESCO, Hà Nội gia nhập mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO vào năm 2020, góp phần quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của Đông Nam Á.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là: Đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu.
Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện, trở thành điểm đến “an toàn – thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Ảnh: Huy Hùng- TTXVN
Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố và đang phát huy vai trò là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới “Chính quyền địa phương về quản lý dân cư” (CityNet), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổchức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)…; qua đó, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Infographics.vn-TTXVN
Để phát triển Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độphát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…
Từ điểm tựa của “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến”, trên nền tảng của Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng hòa bình, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, trở thành “trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế”, “thành phố kết nối toàn cầu”; xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./.