>>> Bài 1: Đầu tư cho văn hóa, tạo nguồn lực hướng tới tương lai
Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn thu từ công nghiệp văn hóa
Như đã đề cập trong bài trước với tiêu đề “Chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội”, Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về CNVH. Với định hướng xuyên suốt này, một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và gia tăng sức hấp dẫn về văn hóa Hà Nội.
Du khách tham quan Hội quán Quảng Đông trên phố Hàng Buồm. Ảnh: Trung Nghĩa
Gần đây, những ai quan tâm đến di sản phố cổ Hà Nội đều ngỡ ngàng và phấn khởi khi công trình nhà 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) được cải tạo thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật. Địa chỉ này vốn là một di sản văn hóa kiến trúc cổ, sau đó có thời gian dài được biến đổi công năng thành trường mầm non.
Với chủ trương của quận Hoàn Kiếm hoàn trả lại không gian cho các công trình văn hóa, trường mầm non được di chuyển đến một điểm khác, nơi này được trùng tu, tôn tạo và đưa vào phát huy giá trị bằng cách tạo không gian sáng tạo mới.
Tất cả dấu tích cũ đều được gìn giữ và phục hồi đúng với giá trị gốc. Một biểu trưng của quá khứ vẫn được giữ lại và người ta tiếp tục thổi cho nó luồng sinh khí mới, để vừa hài hòa với lịch sử, vừa phù hợp với nhịp sống hiện tại. Có thể hiểu, đó là sự cộng sinh văn hóa giữa cộng đồng văn hóa cũ và mới thông qua hoạt động sáng tạo. Đó cũng là cách ứng xử phù hợp với Phố cổ Hà Nội của quận Hoàn Kiếm, vừa bảo tồn được di sản, vừa làm sống động nó để phục vụ cuộc sống ngày nay, từ đó đem lại giá trị kinh tế cho Thủ đô.
Các lĩnh vực văn hóa khác của Hà Nội cũng đang từng bước định hình, phát triển theo hướng phù hợp thị trường. Trong đó, các nhà hát chuyên nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, thu về nhiều giá trị lợi ích và đa dạng hóa thành phần tham gia sản xuất hàng hóa.
Mới đây nhất, Nhà hát Cải Lương Việt Nam đã kết hợp dựng các vở cải lương với xiếc, như: “Cây gậy thần”, “Thượng thiên Thánh Mẫu”. Đây là hai vở diễn trong dự án nghệ thuật huyền sử Việt kể về tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam bước đầu gặt hái được thành công và thu hút khán giả.
Cùng với đó, Hà Nội đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật, đang từng bước đưa nghệ thuật biểu diễn phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa.
Dự kiến, trong năm 2023, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ khởi công xây dựng trụ sở mới tại phố Hồng Mai (Hà Nội), bao gồm cả một rạp diễn có sức chứa khoảng 200 người.
Hà Nội cũng là một trong hai trung tâm điện ảnh lớn của Việt Nam, hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu phim. Nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế đã được diễn ra tại Hà Nội. Trong đó, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 6 dự kiến sẽ diễn ra trong quý IV năm 2022. HANIFF là một sự kiện điện ảnh lớn được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Thủ đô Hà Nội, có tên gọi cũ là Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF).
Được thành lập năm 2010, liên hoan phim được định hướng là sự kiện uy tín nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh trong nước, qua đó góp phần phát huy tinh thần thân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim, đại biểu, vì sự phát triển của điện ảnh đồng thời giới thiệu tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới.
Các chuyên gia phân tích rằng, thời gian qua, sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa giàu tính ứng dụng và đậm đà bản sắc đang là lợi thế để Hà Nội phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Đòn bẩy cho công nghiệp văn hóa Hà Nội luôn tự hào vì có những tiềm năng, thế mạnh nhưng một số lĩnh vực vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả để đem lại giá trị tương xứng.
Nói cách khác, nếu TP sử dụng, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh này sẽ không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn là lợi thế cho phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy sáng tạo, định vị những thương hiệu văn hóa mới, tạo nên sức hấp dẫn mới cho Hà Nội. Đây cũng là điều trăn trở, câu hỏi được đặt ra khi Hà Nội chủ trương nghiên cứu, tham vấn, lựa chọn và triển khai hoạch định chiến lược phát triển CNVH phù hợp, với tầm nhìn rộng, quyết tâm chính trị cao và cơ chế chính sách đủ mạnh để khơi thông, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người – tiềm năng, thế mạnh riêng có tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong thời gian tới.
Để phát triển các ngành CNVH trên địa bàn Thủ đô, TP sẽ dựa trên các trụ cột là: Sáng tạo – thị trường – công nghệ và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản như: Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong sự phát triển chung của Thủ đô; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với lĩnh vực văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ; mở rộng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa; Tăng cường, mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa.
Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng Hà Nội đã, đang tập trung triển khai đó là thực hiện có hiệu quả 6 cam kết của Hà Nội với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”.
Cụ thể, Hà Nội đã triển khai xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, với nhiều biện pháp thúc đẩy sáng tạo mang tính căn cơ, chiến lược như: Thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo; xây dựng Thành phố thông minh; triển khai các dự án chuyển đổi số… nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kết nối giữa truyền thống và hiện đại, các không gian sáng tạo… gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của Thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy phát triển văn hóa sáng tạo; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành,các tổ chức, DN và người dân Thủ đô về phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của sáng tạo, CNVH đối với sự phát triển Thủ đô trên nền tảng chuyển hóa các “nguồn lực văn hóa” thành “sức mạnh mềm” góp phần phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.
“CNVH có hệ số lan tỏa, tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực của Thủ đô và đất nước. Khi chúng ta phát triển CNVH Thủ đô tức là văn hóa đã trở thành một tài sản, nguồn lực to lớn của Hà Nội. Khi văn hóa phát triển thì các lĩnh vực khác cũng sẽ phát triển và có lợi ích như chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ.
Ví như lĩnh vực giáo dục, nếu chúng ta làm tốt công tác phát huy giá trị di tích, chúng ta không chỉ lan tỏa những giá trị của di sản đến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, mà thông qua đó hiểu biết tốt hơn về lịch sử, chúng ta sẽ khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.
Khi họ hiểu lịch sử Hà Nội thì họ sẽ thêm yêu mảnh đất, con người văn hóa Thủ đô và từ đó sẽ mong muốn phát triển quê hương, đất nước. Nó giống như một vòng xoáy hỗ trợ nhau để cùng phát triển.” – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn
“Hà Nội cũng là nơi có nhiều thiết chế văn hóa bảo tàng nhất cả nước. Những bảo tàng quý nhất, lâu đời nhất cũng ở Hà Nội. Đây còn là nơi có nhiều bảo tàng ngoài công lập và các nhà sưu tập tư nhân nhiều nhất.
Bên trong các bảo tàng là di sản văn hóa vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, là di sản thông tin tư liệu, di sản ký ức. Biết bao nhiêu đề tài lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong kho di sản đồ sộ này đang chờ đợi các ngành công nghiệp văn hóa khai thác để tỏa sáng.” – Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, TS Lê Thị Minh Lý
(Còn nữa)