Nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã dành được nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế – xã hội là nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tác động sự phát triển bền vững của đất nước và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, khó quản lý, ngày càng có nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều suy giảm; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường đất và các loại chất thải ngày càng gia tăng. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng, tác động đến an ninh sinh thái, trở thành nguy cơ cản trở đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Bảo vệ môi trường đang là một trong những vấn đề thách thức lớn của toàn cầu (Ảnh: Minh Phương) |
Tình trạng ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông ở nước ta, đó là sông Nhuệ – Đáy, Bắc Hưng Hải, sông Cầu, Vu Gia – Thu Bồn, Đồng Nai – Sài Gòn… diễn biến theo chiều hướng xấu. Trong đó, chất lượng nước thải đô thị ngày càng lớn và chưa được xử lý triệt để, nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các khu đô thị; cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý chất thải chưa được coi trọng và đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch, nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải và trở thành nơi tiêu thoát, chứa nước thải, rác thải.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi đang là vấn đề cảnh báo ở nước ta, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với khu vực trung tâm, đô thị. Nồng độ bụi ở đô thị vượt quá chỉ tiêu cho phép, trong đó thường cảnh báo nồng độ khí thải CO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư đang là thách thức lớn đối với các thành phố.
Bên cạnh đó, ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề đang là vấn đề đáng lo ngại. Chất thải rắn có tính cấp bách và cần có giải pháp, ưu tiên xử lý hiện nay. Nhiều thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, rác thải nhựa phát sinh hàng năm. Đa số chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, việc thu gom còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có hơn 5.400 làng nghề (riêng Hà Nội co 1.350 làng nghề) trong đó 95% cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường và 50% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm trên biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp, chưa có biện pháp xử lý triệt để, nhất là rác thải nhựa, nạo vét nhấn chìm vật liệu, phế liệu; ô nhiễm dầu từ các hoạt động khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển; sự cố tràn dầu trên biển đã ảnh hưởng lớn đến các vùng ven biển ở nước ta, nhất là các chất có nguồn gốc từ đất liền thải ra, đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ…
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường đất và thoái hóa đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, các loại chất thải khác ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống; hệ sinh thái tự nhiên có xu hướng giảm, bị chia cắt và thu hẹp về diện tích, chất lượng giảm dẫn đến xu hướng mất cân bằng sinh thái, giảm chức năng phòng hộ, mất nguồn cung cấp nước ngầm…
Nỗ lực bảo vệ môi trường sống
Trên thực tế, trong những qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân quan tâm, chú trọng. Bộ máy quản lý nhà nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi tường đã được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Năng lực thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường cũng ngày càng được nâng cao. Theo đó, các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường đồng bộ, thống nhất, thường xuyên tổng kết, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước cũng như xu thế bảo vệ môi trường của quốc tế như: bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường vào năm 2005, 2014, 2020… cùng với 1 số nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tham gia ký các văn bản pháp lý quốc tế…
Việc kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng, hiệu quả. Các địa phương đã phối hợp, thực hiện cam kết đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông; tập trung vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, dự án chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định khoa học, công nghệ mới là nhân tố đột phá, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác bảo vệ môi trường, chú trọng đầu tư, phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ mới như: công nghệ ít chất thải; công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải; công nghệ carbon thấp…
Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo vào phát triển cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động để cảnh báo sớm sự cố môi trường; đồng thời khuyến khích các vùng, khu vực, địa phương ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về nâng cao năng lực quản lý môi trường, dự báo sớm ô nhiễm môi trường để kịp thời có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ngoài ra, trong thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường rất coi trọng hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường nước ta như: Huy động nguồn vốn; tăng cường năng lực khoa học công nghệ; tiếp cận được phương pháp luận hiện đại; tiếp thu kinh nghiệm của các nước vào công tác quản lý môi trường…
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường, theo các chuyên gia, nhà khoa học, Việt Nam cần có thay đổi trong cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn. Cụ thể như: xây dựng khung pháp lý, chính sách, quy định về kinh tế tuần hoàn theo hương tiếp cận từ khu vực kinh tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định cụ thể về các mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm phải thực hiện của các đơn vị; chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn nên lựa chọn thí điểm một số ngành, lĩnh vực đầu tư để làm tiền đề mở rộng sau; xây dựng diễn đàn chung, website của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để kết nối cộng đồng xã hội tham gia, chia sẻ kinh nghiệm thành công; khích lệ, cổ vũ ý thức bảo vệ môi trường…