Theo “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được phê duyệt, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính đô thị loại đặc biệt, cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”. (Ảnh minh họa: Minh Phương) |
Vị trí trung tâm của Thủ đô cũng như các thành tựu trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao mức sống của người dân Thủ đô nhưng cũng tạo ra áp lực đô thị hóa, quá tải hạ tầng. Những vấn đề như ách tắc giao thông, chất lượng nước sạch, ô nhiễm môi trường đều ở mức báo động. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao cũng quá tải nghiêm trọng.
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố và cung cấp dịch vụ công đã được Hà Nội quan tâm từ lâu. Ngay từ năm 2014, Thành phố đã đi những bước đi đầu tiên tìm hiểu về xây dựng Thành phố thông minh. Đến năm 2016, Thành phố bắt đầu triển khai một số ứng dụng Thành phố thông minh theo phương thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các ứng dụng thí điểm liên quan đến Thành phố thông minh.
Năm 2019, Thành phố đề ra yêu cầu xây dựng đề án “Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục đích xác định một lộ trình tổng thể, đồng bộ để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thành phố thông minh, có vị trí xứng đáng trong mạng lưới các Thành phố thông minh của ASEAN và thế giới.
Để hướng tới mục tiêu “Xây dựng Thành phố thông minh”, hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu với việc thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn Thành phố. Chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.
Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động và đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội tại số 185 Giảng Võ (đã đưa vào hoạt động từ năm 2012) để cài đặt, duy trì các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Đồng thời, thời gian tới, Thành phố tiếp tục đề xuất các giải pháp triển khai các cấu phần cơ bản phục vụ xây dựng Thành phố thông minh như: Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng; Trung tâm điều hành thông minh.
Thành phố tiếp tục triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối cơ quan chính quyền các cấp của Thành phố. Kết nối hoạt động mạng tin học Ủy ban nhân dân Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến Thành phố.
Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, Thành phố đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống để triển khai các cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội từ Thành phố đến cấp xã. Đồng thời, Thành phố đã triển khai kết nối liên thông hệ thống họp trực tuyến của Thành phố với hệ thống họp trực tuyến của văn phòng Chính phủ, đảm bảo kết nối thông suốt từ điểm cầu trung ương đến điểm cầu 3 cấp Thành phố. Hiện nay, các hệ thống nền tảng cho phát triển chính quyền số đang được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đẩy mạnh triển khai.
Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng xây dựng Thành phố thông minh của thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt được kết quả như: Thiết lập và duy trì hoạt động của Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố; hệ thống điều hành tác nghiệp, theo dõi và rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ của tất cả các đơn vị của Thành phố; 100% cán bộ công chức sử dụng email công vụ và thiết lập hệ thống họp trực tuyến trong nội bộ Thành phố; triển khai kết nối trục liên thông trong văn bản điện tử 3 cấp liên thông với Cổng thông tin của Chính phủ.
Về cung cấp dịch vụ công, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố; xây dựng mạng WAN dùng chung toàn Thành phố; đưa vào vận hành hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn Thành phố, liên thông từ thành phố đến 30 quận, huyện và 579 phường, xã, thị trấn với 1.448/1.828 dịch vụ công mức độ 3 và 4; thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công. Các ứng dụng dùng chung gồm: Cổng thông tin điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp… tiếp tục được duy trì. Các dịch vụ thực hiện qua mạng với tỉ lệ cao: Đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt tỉ lệ 100%; hải quan điện tử 100%; kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình khá và đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao. Đây là các mục tiêu rất tham vọng, đòi hỏi không chỉ nỗ lực rất lớn của cả nước mà còn phải có một phương thức phát triển thông minh và phù hợp. Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm đến năm 2030 xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nòng cốt của phương thức phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong tầm nhìn chung như vậy, Hà Nội với tư cách là Thủ đô của đất nước, nơi tập trung đội ngũ trí thức, các trường đại học, các viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước cần phải và có điều kiện để đi nhanh hơn.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.