Dự án cầu Yên Hòa bắc qua sông Tô Lịch vừa được thông xe ở Hà Nội đang trở thành đề tài được dư luận quan tâm những ngày qua.
Sau gần 9 tháng thi công, cách đây vài ngày, cầu Yên Hòa tại quận Cầu Giấy và Đống Đa (Hà Nội) đã được dỡ rào chắn, thông xe để phục vụ người dân.
Cầu Yên Hòa cũ được xây dựng từ năm 1993, có chiều dài 30 m, chiều rộng 6,5 m, bắc qua sông Tô Lịch, kết nối đường Láng (quận Đống Đa) và đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy).
Để đáp ứng nhu cầu lưu thông, năm 2019, TP Hà Nội đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây mới cầu Yên Hòa và đưa vào dông mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021.
Ngày 2/2021 vừa qua, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội đã khởi công dự án. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của TP Hà Nội, tổng mức đầu tư dự án là 37,8 tỷ đồng, chiều dài 41,4 m và chiều rộng 21,25 m. Theo bản vẽ tại công trường thi công, phần chính của cầu dài 33 m.
Về tiến độ giải ngân, lũy kế đến ngày 31/1/2021, dự án đã giải ngân khoảng 10 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2021, thành phố sẽ giải ngân thêm 15 tỷ đồng cho dự án này. Số vốn còn lại theo tổng mức đầu tư dự kiến, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Hà Nội không đề cập tới.
Cầu Yên Hòa sau khi xây mới. (Ảnh: Hoàng Huy).
Những ý kiến trái chiều
Sau khi thông xe, dự án cầu Yên Hòa đã nhận được một số luồng quan điểm khác nhau trên mạng xã hội.
Có ý kiến cho rằng, với chiều dài cầu như vậy và bắc qua con sông nhỏ như Tô Lịch, tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng là con số khá cao.
Ngược lại, không ít người nhận định, do cầu xây xong còn nhiều hạng mục phát sinh như đường điện trung thế, thoát nước khu dân cư, bờ kè ven sông… nên giá trị đầu tư vẫn có thể chạm mức 38 tỷ đồng.
“Cầu Yên Hòa xây với giá hơn 1 tỷ một mét, như vậy đắt hơn cầu Vĩnh Tuy 2 (hơn 2500 tỷ cho 3.473 m). Trong khi đó cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều cao tĩnh không 11 m, mặt cắt ngang 19,25 m, là cầu bắc qua sông Hồng có hệ thống dầm dài”, tài khoản Facebook tên V.B bình luận.
Phản bác quan điểm trên, tài khoản H.V cho hay: “Không thể so sánh công trình vài chục tỷ với công trình vài ngàn tỷ. Cầu xây càng dài càng đỡ tốn chi phí, việc mua vật liệu với khối lượng lớn giá thành sẽ rẻ hơn so với việc mua khối lượng vật liệu thấp. Chưa kể, vị trí xây dựng của cầu Vĩnh Tuy thuận lợi hơn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, còn cầu Yên Hòa nằm sâu bên trong nội đô”…
Điều gì có thể làm tăng chi phí xây cầu?
Để có góc nhìn khách quan hơn về dự án cầu Yên Hòa, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Tuấn Vũ, một kỹ sư xây dựng cầu đường có kinh nghiệm nhiều năm làm giám sát trưởng các dự án giao thông vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Nói về quy trình để hình thành một dự án, ông Vũ cho hay, đầu tiên phải khảo sát dự án. Trường hợp là công trình cải tạo, nâng cấp thì phải kiểm định xem công trình còn đảm bảo chất lượng hay không, có đáp ứng lưu lượng giao thông hiện tại công trình có đáp ứng được hay không? Nếu đã xuống cấp, không chịu được tải trọng giao thông hàng ngày thì sẽ lựa chọn phương án mở rộng.
Các thủ tục tiếp theo là trình chủ trương phê duyệt đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (gồm thiết kế sơ bộ, bản vẽ thi công, dự toán,…), duyệt vốn đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư sẽ đăng thông tin công khai và đấu thầu rộng rãi, lựa chọn ra nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát và thành lập ban quản lý dự án để đầu triển khai.
Trong một công trình cầu thường sẽ có nhiều gói thầu như rà phá bom mìn, khảo sát hiện trạng địa chất, khảo sát thiết kế, cải tạo cảnh quan, nạo vét mở rộng dòng chảy…
Đối với dự án nâng cấp, cải tạo dựa trên công trình có sẵn, gói thầu nào trước đây đã có số liệu địa chất, rà phá bom mìn… thì chỉ cần tham khảo lại để tiết giảm chi phí.
Cầu Yên Hòa sau khi mở rộng có bề ngang 21 m, rộng gấp ba lần so với công trình cũ. (Ảnh: Hoàng Huy).
Theo ông Vũ, có một số yếu tố có thể làm tăng chi phí xây dựng của cầu Yên Hòa.
“Đầu tiên, cây cầu này dài hơn 30 m nhưng chỉ có một nhịp dầm, do đó phải sử dụng công nghệ bê tông cốt thép dự ứng lực, neo cáp bên trong. Phương án này đắt hơn so với các công nghệ khác song không đáng kể, có thể đúc tại chỗ hoặc sản xuất ở nhà máy rồi đưa tới để lắp ghép.
Bên cạnh đó, cầu Yên Hòa theo quy hoạch sẽ đồng bộ với ngõ 381 Nguyễn Khang, tạo thành tuyến đường huyết mạch nối ba đường vành đai của Hà Nội, do đó có thể sẽ phát sinh thêm một số gói thầu khác như đảm bảo giao thông, điều tiết giao thông,…
Một điểm nữa cần lưu ý, thời điểm khởi công dự án là tháng 2/2021 – khoảng thời gian giá vật liệu xây dựng trên thị trường sốt nóng. Điều này cũng có thể làm tăng chi phí công trình”, ông Vũ nói.
Tuy nhiên, những yếu tố còn lại của cầu Yên Hòa, theo ông Vũ không quá phức tạp. Kiến trúc cảnh quan cầu tương đối đơn giản khi chỉ có 4 trụ đèn và lan can.
“Ở trong thành phố, các công trình cầu thường đi kèm gói thầu tiện ích như hệ thống chiếu sáng bên dưới cảnh báo tàu thuyền, biển báo, thẩm mỹ, trang trí,…
Thông thường những cây cầu lớn có hệ thống tĩnh không và các trụ cầu ở giữa sẽ phát sinh gói thầu xây dựng các mố giá để cảnh báo tàu thuyền khỏi đâm va. Còn sông Tô Lịch không có tàu thuyền qua lại nên không cần đảm bảo tĩnh không cũng như phức tạp về hệ thống chiếu sáng dưới sông.
Hệ thống kè hai bên sông Tô Lịch cũng đã được xây dựng từ lâu, nên sẽ không phát sinh gói thầu nạo vét. Tiếp đến, cầu không phát sinh chi phí làm phần đường dẫn, đầu cầu chỉ cần vuốt nối một đoạn bê tông men qua hành lang sông để dẫn ra đường chính.
Một nguyên nhân thường khiến các công trình đội vốn chính là giải phóng mặt bằng, song dễ thấy cầu Yên Hòa không phát sinh vấn đề này. Vị trí xây dựng cầu là một trong những đoạn có mặt cắt lòng sông hẹp nhất giúp chiều dài cầu ngắn nhất và tối ưu nhất.
Do chỉ có một nhịp dài, cầu Yên Hòa sẽ không hướng đến việc chịu trọng tải lớn. Hơn nữa, nhiều khả năng cầu được mở rộng, nâng cấp dựa trên công trình cũ trước đó.
Rất khó để đưa ra chi phí cố định bởi mỗi dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề chuyên môn khác nhau. Nhìn chung, những dự án có phương pháp xây dựng đơn giản như cầu Yên Hòa, theo tôi tổng chi phí thường rơi vào khoảng 20 – 25 tỷ đồng”, ông Vũ chia sẻ.
Vị trí quan trọng của cầu Yên Hòa
Toàn cảnh tuyến đường từ cầu Yên Hòa đi qua ba đường vành đai.
Ở góc độ quy hoạch, cầu Yên Hòa có vị trí tương đối quan trọng, là điểm đầu của tuyến đường nối ba vành đai của Hà Nội. Nằm đối diện cây cầu này là ngõ 381 Nguyễn Khang dài khoảng 330 m, kéo dài đến nút giao với ngõ 155 Cầu Giấy.
Trong tương lai, ngõ 381 Nguyễn Khang sẽ được kéo dài lên 368 m. Điểm đầu tuyến tại nút giao với tuyến đường quy hoạch rộng 50 m thuộc khu đô thị (KĐT) mới Dịch Vọng; điểm cuối nằm tại nút giao với đường Nguyễn Khang và cầu Yên Hòa.
Đồng thời, mặt cắt ngang của tuyến được mở rộng lên 21,25 m (gồm lòng đường xe chạy 11,25 m và vỉa hè hai bên mỗi bên 5 m).
Theo quy hoạch phân khu H2-2 của TP Hà Nội, vị trí điểm nối ngõ 381 Nguyễn Khang với phố Thành Thái sẽ giao với tuyến đường quy hoạch rộng 50 m tạo thành ngã tư lớn.
Khi ngõ 381 Nguyễn Khang thông với phố Thành Thái, cùng với cầu Yên Hòa bắc qua sông Tô Lịch sẽ tạo nên trục kết nối đường vành đai 2, vành đai 2,5 và vành đai 3, giảm bớt gánh nặng cho nhiều tuyến đường trong khu vực.
Đồng thời, tạo thành trục đường giúp kết nối đường Láng với Công viên Cầu Giấy và các dự án lớn như KĐT Dịch Vọng, The Park Home, Sunrise Building hay tòa nhà tái định cư Duy Tân N01 – D17.
Mặc dù được phê duyệt từ năm 2015, song dự án cải tạo, mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang đến nay vẫn chưa thể triển khai do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Dự án cầu Yên Hòa hoàn thành được kỳ vọng sẽ là động lực để khởi động dự án ngõ 381 Nguyễn Khang trì hoãn nhiều năm.