Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thực chất, hiệu quả

Ðó là những cách làm đang được nhiều chi bộ thuộc Ðảng bộ Hà Nội thực hiện và đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng của thành phố.

Những năm gần đây, huyện Sóc Sơn triển khai nhiều nhiệm vụ khó, nhạy cảm như xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng, giải phóng mặt bằng liên quan đến nhiều dự án trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nhà ga hành khách T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, dự án mở rộng bãi rác Nam Sơn, dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, nhà máy xử lý rác thải 2.000 tấn/ngày đêm… trong bối cảnh chính sách đền bù của nhà nước liên tục thay đổi. Vì vậy khi triển khai thực hiện nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, nếu không kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, sớm có định hướng và giải pháp phù hợp dễ gây ra điểm nóng.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho biết, nhằm chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn huyện, cùng với việc phân công Ủy viên Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn, Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Quy chế dự sinh hoạt với cơ sở của các cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Theo đó, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy dự sinh hoạt với đảng bộ, chi bộ phụ trách ít nhất một lần/quý để kịp thời nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo giải quyết kịp thời hoặc báo cáo Thường trực Huyện ủy có hướng xử lý ngay. Nhờ đó, nhiều vụ việc tiềm ẩn trở thành “điểm nóng” đã được hạ nhiệt, nhận được sự ủng hộ cao của người dân.

Tại huyện Chương Mỹ, tinh thần sâu sát cơ sở cũng được thể hiện rõ từ những cuộc sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Ðồng thời, phân công Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã và chuyên viên các ban đảng, Văn phòng Huyện ủy thường xuyên đi cơ sở, dự sinh hoạt chi bộ để trực tiếp lắng nghe, tiếp thu những phản ánh và giải đáp ngay tại chi bộ các ý kiến, kiến nghị hoặc những vấn đề đảng viên còn băn khoăn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nhờ làm bài bản từ cơ sở, cho nên việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ðảng hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Chính vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được bảo đảm, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên địa bàn những năm qua.

Bên cạnh việc tăng cường vai trò của cán bộ lãnh đạo, nhiều chi bộ cũng chủ động đổi mới nội dung sinh hoạt, gắn với công tác chuyên môn. Ðây vừa là yêu cầu, cũng vừa là giải pháp giúp cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao, toàn diện hơn. Như tại Ðảng ủy Sở Tài chính Hà Nội, Phó Bí thư Ðảng ủy Mai Xuân Vinh cho biết, các chi bộ đã lồng ghép nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai nhiệm vụ chuyên môn, tạo động lực giúp cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được thành phố giao.

Trong khi đó, Ðảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội yêu cầu các cấp ủy trực thuộc đẩy mạnh sinh hoạt theo chuyên đề, trong đó tất cả các chi bộ phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề bốn lần/năm trở lên. Trên cơ sở đó, các tổ chức cơ sở đảng đã gắn nội dung học tập chuyên đề toàn khóa, chuyên đề các năm với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, thực hiện chủ đề công tác năm: “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Năm dân vận chính quyền”, “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, chất lượng sinh hoạt của không ít chi bộ còn tình trạng hình thức, cứng nhắc, chậm đổi mới. Những hạn chế này bắt nguồn từ một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm; trình độ, nhận thức của một số đảng viên, năng lực điều hành sinh hoạt của bí thư chi bộ còn yếu kém; ý thức trách nhiệm trong sinh hoạt của một số đảng viên chưa cao…

Nhận diện rõ hạn chế này, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra trong Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là nâng cao chất lượng sinh hoạt để xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và các tổ chức cơ sở Ðảng. Trong đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu nội dung sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ phải luôn hướng vào những vấn đề nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo các mặt công tác ở khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị; đột phá vào những nhiệm vụ lãnh đạo còn hạn chế, những khâu yếu, mặt yếu của địa phương, đơn vị để đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát thực, hiệu quả. Ðây sẽ là căn cứ quan trọng để các cấp ủy tiếp tục đổi mới sinh hoạt chi bộ một cách thực chất hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng của thành phố.

QUỐC TOẢN