Tình yêu trong từng nhịp đập

Nếu bạn dừng đèn đỏ ở ngã 5 Xã Đàn-Tôn Đức Thắng (Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh những tay ném của Hanoi Buffaloes, như Caleb Nguyễn hay Đinh Tiến Công, xuất hiện trên màn hình quảng cáo cỡ lớn. Đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Hà Nội có thể xem như thí dụ điển hình về cách các câu lạc bộ Việt Nam nỗ lực đầu tư xây dựng hình ảnh vận động viên.

Từ ngày đầu thành lập, Hanoi Buffaloes luôn nhận thức, việc xây dựng thương hiệu không chỉ là chiếc logo hay màu áo, mà còn là hệ giá trị gắn liền với yếu tố văn hóa của Thủ đô. Từ khâu tuyển chọn, đào tạo cho tới những nỗ lực xây dựng hình ảnh cá nhân cho từng vận động viên, tất cả được xác định là chặng đường đầu tư liên tục và dài hạn.

“Cầu thủ ngoài kỹ năng chơi bóng còn phải chuẩn bị tinh thần thể thao và ý chí chiến đấu vượt trội. Khả năng giao tiếp ngoại ngữ để học hỏi chuyên môn, đồng thời lan tỏa văn hóa Việt, ở môi trường có nhiều cầu thủ Việt kiều và các huấn luyện viên nước ngoài, cũng là những yếu tố được Hanoi Buffaloes chú trọng trong hệ thống đào tạo trẻ lẫn chuyên nghiệp”, bà Hoàng Mai Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Buffaloes, chia sẻ.

Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu văn hóa là tạo dựng nền tảng khách hàng- cổ động viên trung thành. Bài toán kinh tế của các câu lạc bộ không chỉ gói gọn trong thành tích mà còn là việc “xây dựng và tạo ra tài sản từ chính giá trị thương hiệu”.

Các đội bóng luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa việc xây dựng hình ảnh cầu thủ và thương hiệu đội bóng, bảo đảm cả hai yếu tố này cùng phát triển và hỗ trợ lẫn nhau.

Không giống như các môn thể thao khác phát triển khi đã có nền tảng cộng đồng và phong trào lớn mạnh, bóng rổ xuất phát điểm từ những nhóm nhỏ tại các đô thị. Khi niềm tin vào sự phát triển của bóng rổ chưa thật vững chắc, đặc biệt là từ các thương hiệu và doanh nghiệp, bài toán vận động nguồn lực xã hội hóa sẽ khó tìm kiếm lời giải…

Song, bóng rổ đã lựa chọn mô hình đoàn tàu, trong đó Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) chịu trách nhiệm làm động lực chính “vừa kéo lại vừa đẩy”. Kéo bằng sự hấp dẫn của giải đấu, qua tính cạnh tranh công bằng, trình độ chuyên môn cao từ các vận động viên nước ngoài, Việt kiều. Đồng thời, giải đấu cũng góp phần “kéo” trình độ bóng rổ trong nước ngày càng đi lên.

“Bên cạnh đó, VBA thúc đẩy sự phát triển của các chương trình đào tạo trẻ, các hệ thống giải đấu trong nước và đặc biệt là cải thiện thành tích của đội tuyển quốc gia. Những chất dẫn ấy sẽ quay lại tạo thành lực đẩy, truyền cảm hứng, thu hút sự ủng hộ của khán giả và các nguồn lực xã hội hóa”, CEO VBA Trần Chu Sa khẳng định.

Nhằm khơi nguồn cảm hứng từ khán giả trẻ, VBA và các câu lạc bộ còn chú trọng xây dựng hình ảnh cùng câu chuyện xoay quanh các cầu thủ, đội bóng và giải đấu. Các sự kiện giao lưu, hoạt động cộng đồng hay các chương trình phát triển bóng rổ học đường, với sự góp mặt của các ngôi sao bóng rổ trong nước, giúp tăng cường sự gắn kết với cộng đồng.

Mỗi đội bóng giờ là điểm tựa văn hóa thể thao tại địa phương. Mỗi cầu thủ cũng trở thành gương mặt thương hiệu kết nối với khán giả, thôi thúc người dân yêu thích, tập luyện và theo dõi bóng rổ.

Song song với đó, VBA và các đội bóng cũng hỗ trợ các cầu thủ xây dựng hình ảnh bản thân để trở thành những lựa chọn sáng giá với các thương hiệu. Hanoi Buffaloes và Saigon Heat có thể xem như lá cờ đầu chuyên nghiệp hóa quá trình này.

Những nỗ lực ấy không chỉ mang lại doanh thu cho đội bóng, nguồn thu nhập dồi dào hơn cho các tay ném, mà còn giúp các cầu thủ ổn định cuộc sống và gia tăng giá trị xuyên suốt chặng đường thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp.