Hà Nội lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác… Ảnh: VGP/Gia Huy
Một trong những nội dung Thành ủy Hà Nội triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước” là chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.Theo đó, quan điểm Thành ủy Hà Nội đặt ra là phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa
Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhận định rõ một số nhiệm vụ mới cần làm trong phát triển văn hóa gắn với kinh tế là xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, góp phần chuyển hóa các nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh có đóng góp giá trị kinh tế vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Theo đó, xác định xây dựng văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế, có sự phát triển đồng bộ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thủ đô.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của Thành phố (đến năm 2045).
Việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ Thành phố nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong và ngoài nước và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa của Thủ đô, tạo những bước tiến mới, mang lại giá trị đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Điểm nhấn trong xây dựng, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế là việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo” với mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.
Xác định mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Nhờ đó, trong những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới.
Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, là nền tảng để đưa Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Để tạo đà cho phát triển văn hóa theo hướng bền vững, năm 2019, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng “Thành phố sáng tạo”, Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô. Việc hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế về văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều khởi sắc.
Chất lượng các hoạt động văn hóa, hiệu quả hoạt động văn hoá đã thực sự tạo được nhiều dấu ấn văn hóa mới cho Thủ đô. Công tác thông tin đối ngoại, quảng bá giá trị văn hóa du lịch được đẩy mạnh tăng cường; các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với quốc tế có nhiều khởi sắc.
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn thành công, gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế đặc biệt là “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội” năm 2022, 2023 và đang diễn ra lễ hội Thiết kế sáng tạo với nhiều điểm nhấn của năm 2024.
Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch – Ảnh: VGP/Gia Huy
Xây dựng văn hóa trong chính trị: Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ
Đối với việc xây dựng văn hóa trong chính trị, Đảng bộ TP. Hà Nội đã xác định phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm” gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong triển khai, thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội từ Thành phố tới cơ sở.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức; các địa phương, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với việc sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm với phương châm: “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.
Đến nay, Thành ủy Hà Nội đánh giá, cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thể hiện tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ; từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm chế độ giờ giấc làm việc cũng như hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp được nâng lên.
Điểm nổi bật trong xây dựng văn hóa chính trị của Đảng bộ Thành phố trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là việc thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 08/7/2024 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội” với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị.
Qua triển khai Chỉ thị 24 đã nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành cương, kỷ luật công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Hà Nội cũng tập trung nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, việc thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU ngày 28/10/2021 về quy định đánh giá xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử Thành phố đã đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác đánh giá cán bộ của Thành phố được làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm tính thiết thực, tạo động lực cho cán bộ các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác trong hệ thống chính trị của Thủ đô.
Gia Huy